Chi hàng nghìn USD cho các chuyến nghỉ dưỡng kéo dài tuổi thọ

Nhiều người Mỹ sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để tham gia các chuyến nghỉ dưỡng kết hợp liệu pháp trường thọ theo phong cách bản địa, tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên nên cân nhắc cẩn thận.

Để kéo dài thời gian sống, giới nhà giàu không ngại chi đến hàng chục nghìn USD mỗi tuần cho các gói chăm sóc sức khỏe tại những phòng khám trường thọ trên thế giới. Những nơi này cung cấp đầy đủ dịch vụ giúp cải thiện tuổi thọ, từ xét nghiệm gen, các loại thực phẩm bổ sung, cho đến những kế hoạch trị liệu được cá nhân hóa. Theo Matt Fellowes, một thành viên hội đồng tư vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Tuổi thọ Stanford, Anh, các phòng khám hàng đầu thường đưa ra những lời khuyên dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp từng cá nhân.

Theo báo cáo mới nhất từ Booking, công bố ngày 23/11, một trong những xu hướng du lịch nổi bật năm 2025 là “hộ chiếu trường thọ”. Loại hình này tập trung vào các trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, vượt ra ngoài ý nghĩa du lịch thông thường.

“Các kỳ nghỉ trong năm 2025 sẽ không chỉ dừng lại ở việc thư giãn mà còn mang lại cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt chú trọng đến sức khỏe thể chất”, trang web của Booking khẳng định.

Nghiên cứu cho thấy, 52% người Mỹ sẵn sàng chi tiền cho những kỳ nghỉ được thiết kế riêng nhằm cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Ben Harrell, Giám đốc điều hành Booking tại Mỹ, chia sẻ rằng ngành du lịch đang cố gắng cung cấp các trải nghiệm đáp ứng nhu cầu khách hàng, như liệu pháp áp lạnh, trị liệu bằng rung động, ánh sáng đỏ hoặc tế bào gốc. Các liệu pháp này giúp cân bằng tinh thần, cải thiện thể chất và mang lại hiệu quả lâu dài ngay cả sau khi kỳ nghỉ kết thúc.

Theo Booking, nhu cầu tham gia “khóa tu trường thọ” hiện đang chiếm ưu thế. Đây là những chương trình kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, nơi người tham gia di chuyển đến những địa điểm hẻo lánh, gần gũi với thiên nhiên để phục hồi cả tinh thần lẫn thể chất. Có tới 49% người Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến “các chương trình chuyên sâu, giúp hồi phục toàn diện” như vậy. Đồng thời, 57% du khách mong muốn tìm kiếm các phương pháp có thể áp dụng tại nhà, chẳng hạn như truyền tĩnh mạch hoặc uống cà phê theo khung giờ nhất định.

“Trong năm 2025, hành trình phục hồi sức khỏe sẽ không kết thúc khi chuyến đi khép lại. Nó sẽ trở thành một phần hành trình dẫn tới cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ hơn”, ông Harrell chia sẻ thêm.

Báo cáo của Booking đã chỉ ra những điểm đến phù hợp với xu hướng “hộ chiếu trường thọ”. Các địa điểm như Tromsø (Na Uy) và San Pedro de Atacama (Chile) được gợi ý là nơi lý tưởng để tìm kiếm các trải nghiệm kéo dài tuổi thọ. Đại diện Booking cho biết, các địa điểm này nổi bật nhờ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và nhiều hoạt động ngoài trời bổ ích.

Tại Tromsø, khách du lịch có thể tận hưởng những phòng xông hơi nổi, nhìn thẳng ra Nhà thờ Bắc Cực ở Pust, được xem như biểu tượng của “suối nguồn tuổi trẻ”. Trong khi đó, San Pedro de Atacama nổi tiếng với Suối nước nóng Puritama, nơi hỗ trợ khai thông dòng chảy năng lượng.

“Cả hai địa danh này đều tập trung vào chăm sóc sức khỏe, đáp ứng mục tiêu của các khóa tu trường thọ”, ông Harrell nhấn mạnh.

Giáo sư David Vequist, người sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch Y tế tại Đại học Incarnate Word, San Antonio, cho biết ngành du lịch chống lão hóa và trường thọ đang bùng nổ tại Mỹ. Nhiều người nổi tiếng và giới nhà giàu đã được truyền thông đưa tin về việc chi hàng trăm nghìn USD để theo đuổi “suối nguồn thanh xuân”. Tuy nhiên, Giáo sư Vequist cảnh báo rằng nhiều liệu pháp trong số này vẫn chưa được khoa học chứng minh. Các khóa tu trường thọ thường do một số tổ chức hoặc cá nhân thiết kế, có thể không phù hợp với tất cả mọi người.