Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may ở Hà Tĩnh

Sáng 12.6, Lễ hội truyền thống đánh cá Đồng Hoa diễn ra tại Đầm Vực, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đây là ngày hội mang đậm màu sắc dân gian độc đáo, được tổ chức hàng năm, mang tư tưởng khuyến nông, khuyến ngư, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Lễ hội đánh cá Đồng Hoa còn được gọi là lễ hội đánh Vực Rào, được tổ chức mỗi năm một lần khi mùa màng của người dân trong vùng đã thu hoạch xong. Cũng như mọi năm, nơi diễn ra lễ hội là Đầm Vực, nằm dưới chân dãy Hồng Lĩnh, có chiều dài hơn 1km với diện tích khoảng 30 ha. Đây là khu vực có nhiều loài cá nước ngọt sinh sống. Lễ hội này tồn tại hàng trăm năm nay.

Mỗi năm đến ngày hội đánh cá Đồng Hoa, dù bận “trăm công nghìn việc” người dân xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng sắp xếp tới tham gia. Người dân quan niệm rằng, ai bắt được cá to hoặc nhiều cá thì sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong suốt năm ấy.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 1.

Sáng ngày 11/6 (tức ngày 17/5 Âm lịch), mặc dù nắng nóng nhưng hàng nghìn người dân trong và ngoài xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn mang theo những ngư cụ đánh bắt cá truyền thống như: nơm, vó, lưới… hướng về đầm Vực để tham gia lễ hội đánh cá Đồng Hoa.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 2.

Lễ hội đánh cá Đồng Hoa có từ xa xưa, không ai nhớ bắt đầu từ bao giờ. Theo các cụ cao niên trong làng, cứ sau vụ mùa Đông Xuân, sau khi người dân gặt lúa xong, đang trong thời gian nông nhàn thì lại ra sông, hồ để đánh bắt cá. Lâu dần trở thành một lễ hội độc đáo.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 3.

Đầm nước được chọn để tổ chức lễ hội có tên là đầm Vực, nằm dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ. Đầm có chiều dài hơn 1km và có rất nhiều cá sinh sống. Có một quy định khi tham gia lễ hội, đó là người dân không được sử dụng các thiết bị bắt cá hiện đại.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 4.

Sau khi tổ chức xong phần lễ thì một hồi trống chiêng vang dậy, người đứng đầu làng hú to một tiếng dài. Ngay sau đó, người dân trong làng từ già trẻ, trai gái đều ào xuống nước để thi nhau bắt cá.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 5.

Trước ngày tổ chức, các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ hương đăng hoa quả cúng tế thành hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực. Do lâu nay việc đánh cá nhiều dẫn đến cạn kiệt, nên đầm Vực bị cấm đánh bắt, có ban quản lý tuần tra canh gác. Chỉ đến ngày lễ, cũng là ngày duy nhất trong năm, mọi người trong xã mới được đánh bắt cá tại Đầm Vực.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 6.

Nếu ai bắt được cá to thì vừa cầm cá vừa đưa lên hú thật to để “khoe”, những người dân khác trên bờ và đang đánh bắt dưới đầm cũng hú theo để tán thưởng.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 7.

Theo quan niệm rằng, ai bắt được cá to hoặc nhiều cá thì sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu trong suốt năm ấy.

Vì vậy, không chỉ thanh niên trai tráng trong làng tham gia, rất nhiều phụ nữ, người già và cả trẻ em cũng tới đua tài.

Lễ hội kết thúc vào buổi trưa cùng ngày, người nào bắt được con cá to nhất sẽ được làng ban thưởng và con cá đó sẽ được dùng làm đồ cúng dâng lên Thành hoàng làng nhân dịp tết Đoan Ngọ.

Hà Tĩnh: Hàng trăm người đội nắng xuống đầm bắt cá để cầu may - Ảnh 10.

Ông Cao Văn Viên (63 tuổi, người dân xã Xuân Viên) hào hứng cho biết: “Tôi tuy già nhưng vẫn còn khỏe lắm, chưa chịu thua lớp thanh niên đâu. Năm nay tôi bắt được nhiều cá lắm, chỉ tiếc là không bắt được con to, nhưng chắc chắn năm sau sẽ cố bắt được con 5 cân cho mà xem”.

Hiện nay, qua nhiều thời gian, lễ hội đánh cá Đồng Hoa đã không còn được nguyên vẹn như xưa. Nhưng với nét độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân gian của người nông dân, rất nhiều người đến ngày tổ chức vẫn quay về để ôn lại kỷ niệm và để giữ được những nét truyền thống của cha ông xưa để lại.